Việt Nam hợp tác với Nga sản xuất Ô Tô

Hợp tác với Nga sản xuất Ô Tô tại Việt Nam

Bộ trưởng Công thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Công thương Liên bang Nga Denis Valentinovich Manturov đã thay mặt Chính phủ hai nước chính thức ký Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam tại Liên bang Nga vào ngày 21/3 (Nghị định thư hợp tác về ô tô).

Nga đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.

Nghị định thư này được đàm phán và ký kết dựa trên Điều khoản về Hỗ trợ các dự án đầu tư ưu tiên thuộc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU). Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất ô tô của Nga (như KAMAZ, GAZ, UAZ…) sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập một số liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe từ 10 chỗ trở lên, xe địa hình và một số loại xe chuyên dụng tại Việt Nam.

nhà máy sản xuất xe ô tô của Nga

Nga cam kết sẽ chuyển giao công nghệ và tin tưởng tỷ lệ nội địa hoá các sản phẩm ô tô này sẽ đạt tối thiểu 40% sau một thời gian ngắn. Các xe lắp ráp tại Việt Nam sẽ phù hợp với Quyết định số 1211/QĐ-TTg ngày 24/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2020 là 25% đối với xe chuyên dụng, 30% đối với xe tải và xe địa hình và 35% đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Đồng thời đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với xe chuyên dụng và xe địa hình, 45% đối với xe tải và 45% đối với xe từ 10 chỗ trở lên.

Bên cạnh đó, các liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.

nhà máy xe tải Kamaz: công đoạn sản xuất động cơ

Việc thiết lập các dự án liên doanh lắp ráp, sản xuất ôtô của Nga tại Việt Nam không chỉ là một phần của Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết mà còn có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược và quy hoạch phát triển ngành ôtô của Việt Nam.

Dự kiến Nghị định thư hợp tác về ô tô có cùng hiệu lực với hiệu lực của Hiệp định Liên minh Kinh tế Á – Âu vào cuối năm 2016.

Nguồn: Lao động & Xã hội

Chia sẻ ngay cho bạn bè

Để lại một bình luận